Trong muôn vàn những câu chuyện được kể, đã kể và đang kể thì câu chuyện về ẩm thực vẫn luôn là đề tài hấp dẫn và thú vị, bởi sự đa dạng, phong phú và đặc sắc trong từng món ăn. Ngay lúc này đây, hãy cùng Đại Thuận Food dạo quanh và khám phá món ăn đặc trưng của các nền văn hóa tiêu biểu như Việt Nam - Thái Lan - Nhật Bản - Hàn Quốc bạn nhé!
Chả cốm - Tinh hoa của ẩm thực Việt Nam
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng món quà từ lúa non kết tinh cùng sương sớm hòa quyện cùng hương vị của đất trời, cốm đã trở thành một thức quà vừa thanh cao sang trọng vừa bình dân giản dị. Cốm tươi thường được ăn thanh cảnh, nhẹ nhàng, bên ngoài được gói bằng lá sen già hoặc lá khoai ráy xanh non, buộc gọn gàng trong sợi rơm vàng óng. Hình ảnh giản dị mà lại quá đỗi thân thương ấy mang đến một hương vị và cảm xúc rất riêng, rất Việt Nam.
Cốm bắt nguồn từ làng Vòng, nay thuộc phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tương truyền cách đây hơn nghìn năm trước, tiết trời sang thu cũng là thời điểm những ruộng lúa bị ngập chìm trong nước. Để vượt qua cơn đói, người dân làng Vòng đã đi tìm những bông lúa non để rang khô, tích trữ ăn dần. Ấy vậy mà từ một món ăn bất đắc dĩ, nay lại trở thành một hương vị hấp dẫn khó quên với riêng người dân làng Vòng. Qua bàn tay và khối óc con người, những bông lúa non dần trở thành những hạt cốm xanh, thơm, mỏng và dẻo hơn. Vượt qua lũy tre làng Vòng, cốm trở thành đặc sản quý dâng lên vua vào các triều Lý (1009-1225), từ đó trở thành món ăn được ưa chuộng ở khắp mọi nơi trên đất Việt.
Ngày nay, cốm không chỉ được xem là một thức quà thanh tao mà còn là nguyên liệu đặc biệt để làm nên nhiều món ăn đặc sắc, trong đó nổi tiếng với món chả cốm - tinh hoa của ẩm thực xứ Rồng bay nói riêng và của Việt Nam nói chung. Chả cốm ngon nức lòng khi được chiên giòn, với lớp vỏ bên ngoài giòn, mềm phủ gam màu vàng óng ả, bên trong là vị dẻo thơm của hạt cốm hòa quyện cùng vị ngọt đậm đà của thịt, đưa bạn vào cuộc phiêu lưu không hồi kết của vị giác, ngon đến khó cưỡng!
Chả cốm ngọt bùi, vừa miệng, cắn vào một miếng là cảm nhận ngay được độ dai mềm, mọng nước, càng ăn lại càng kích thích vị giác hơn nữa. Có rất nhiều cách để thưởng thức món chả cốm này, có thể là món ăn chơi, ăn cùng cơm nóng, hay bổ sung vào món bún đậu mắm tôm hoặc ăn cùng bánh giò nóng. Dù đứng một mình hay kết hợp cùng món ăn khác, chả cốm cũng đều làm say lòng người bởi vị ngon đặc trưng rất riêng, mang đậm hương vị hồn quê nước Việt.
Đi theo sự phát triển của nhịp sống đô thị, cốm góp mặt trở thành nguyên liệu dùng để chế biến đa dạng món ăn hấp dẫn trên bàn ăn Việt, điển hình như món tôm tẩm cốm, chả mực tẩm cốm. Vị tươi ngon của hải sản kết hợp cùng sự dẻo thơm của cốm khiến bữa ăn trở nên hấp dẫn và giàu chất dinh dưỡng hơn. Bạn có thể tìm mua tôm tẩm cốm, chả mực tẩm cốm thương hiệu MNgon của Đại Thuận Food tại website daithuanfood.vn nhé.
Pad Thái - Món ăn quốc dân không thể bỏ lỡ của xứ sở chùa vàng
Pad Thái có hương vị thật sự rất đặc biệt, đó chính là sự giao thoa giữa vị ngọt từ đường thốt nốt, vị chua từ me và vị cay the từ quả ớt, tất cả hòa quyện tạo ra một món ăn ngon, đủ vị chua cay mặn ngọt hấp dẫn không thể chối từ.
Pad Thái nghe qua thì không quá khó để làm, vì thành phần khá đơn giản gồm: mì/hủ tiếu xào với trứng và đậu phụ, chút ớt đỏ, nước mắm, đường thốt nốt và me, sau đó được trộn cùng tôm tươi hoặc khô, đậu phộng (lạc rang) giã nhỏ, hẹ hoặc tỏi.Trước khi ăn vắt thêm một chút chanh để tạo vị chua nhẹ, ăn rất cuốn miệng và không gây ngán.
Theo kinh nghiệm của những đầu bếp có tiếng, để nấu món Pad Thái thành công thì khâu đầu tiên quan trọng nhất chính là phải có một chiếc chảo thật nóng, khi nấu sẽ giúp những nguyên liệu không bị dính vào nhau. Vì đường thốt nốt và me rất dễ bị cháy ở nhiệt độ cao, chính vì vậy đầu bếp phải hoàn toàn tập trung để kiểm soát nhiệt độ, sao cho món ăn phải đảm bảo độ hài hòa giữa các hương vị.
Pad Thái được ra đời vào cuối những năm 1930, lúc này thủ tướng Phibun lên nắm quyền, ông nung nấu muốn đưa đất nước Thái Lan phát triển và trở nên "tây hóa" hơn. Vì vậy sau đó ông đã mở ra cuộc thi để tìm kiếm một món ăn của dân tộc, kết quả là Pad Thái chính thức được ra đời và nhanh chóng trở thành món ăn nổi tiếng trên khắp đất nước. Từ vùng núi phía bắc hay những con phố sầm uất tại Bangkok, Pad Thái có mặt ở khắp nơi trên xứ sở chùa vàng. Món ăn này cũng được xem là lựa chọn hàng đầu của bất kỳ du khách nào khi ghé thăm Thái Lan.
Sushi Nhật Bản - Tinh hoa ẩm thực xứ Phù Tang
Sushi không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn là sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên, những hải sản tươi sống chính là món quà quý giá mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng, Ngoài ra, sushi đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và vô cùng khéo léo của người đầu bếp. Nguyên liệu đầu vào phải tươi ngon cắt lát đẹp mắt, khi cuốn cùng cơm phải làm sao cho cân xứng vừa ăn. Điều này cũng phản ánh được triết lý "hài hòa cùng thiên nhiên" cố hữu từ lâu đời trong văn hóa Nhật Bản.
Thời kỳ Edo vào những năm 1603 -1868 có thể chính là thời điểm bắt đầu ra đời của sushi, những bữa tiệc của giới thượng lưu chắc chắn không thể thiếu món sashimi - cá sống được thái mỏng. Để việc bảo quản được lâu hơn, kỹ thuật ướp muối cá được sử dụng, cơm cũng được nấu chín để tạo ra hương vị hài hòa hơn.
Vào thập niên những năm 1970-1980 sự gia tăng của cộng đồng người Nhật tại nước ngoài ngày càng nở rộ thì sushi dần là cái tên quen thuộc của giới phương Tây. Nhờ vào giá trị dinh dưỡng cao, cách trình bày nghệ thuật và hương vị tinh tế, sushi giờ đây đã có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới và trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của nền ẩm thực Nhật Bản.
Kim chi - Biểu tượng của văn hóa Hàn Quốc
Kim chi không chỉ là món ăn kèm có mặt trong những bữa ăn của người Hàn Quốc, mà kim chi còn mang giá trị văn hóa trong giao tiếp. Nếu tinh ý bạn sẽ nhận ra người Hàn Quốc không bao giờ làm kim chi một mình. Họ sẽ thường tụ họp gia đình hoặc bạn bè để làm kim chi. Họ cùng trao đổi, nấu ăn và học hỏi lẫn nhau để gia tăng sự kết nối. Truyền thống trong gia đình Hàn Quốc họ sẽ thay phiên nhau làm kim chi để tạo mối quan hệ gia đình gắn kết hơn. Ngoài ra, người Hàn Quốc còn dùng kim chi để làm quà tặng, vừa thể hiện tình cảm vừa tạo sự gắn bó thân thiết.
Thời tiết của Hàn Quốc được cho là rất khắc nghiệt khi nằm ở vĩ tuyến 38 độ ở phía Bắc, khí hậu rất lạnh và tuyết rơi dày đặc vào mùa đông. Không một loại cây nào trồng trọt và phát triển được trong tiết trời này, vì thế người dân Hàn Quốc đã tìm cách muối rau củ quả để tích trữ đồ ăn được trong mùa đông. Theo sử sách ghi lại, từ thời Tam Quốc, người Hàn Quốc đã biết cách sử dụng hành, tỏi, gừng,... để ướp kim chi. Vào năm 1592 thời kỳ chiến tranh giữa Triều Tiên và Nhật Bản ớt đã được du nhập và bổ sung vào món kim chi, nhờ vậy định hình được gia vị của món ăn. Tiếp đó vào thế kỷ XIX, bột ớt xuất hiện và được phối hợp để thêm vào kim chi giúp món ăn có màu sắc đẹp mắt, vị cay nồng giúp làm ấm cơ thể vào mùa đông. Cách chế biến này được lưu giữ đến tận bây giờ và trở thành một biểu tượng văn hóa của ẩm thực Hàn Quốc.
Có thể bạn chưa biết? Lễ hội “Muối kimchi chia sẻ yêu thương” vào năm 2014 đã được đưa vào sách Kỷ lục Guinness thế giới, với con số đáng kinh ngạc là 120.000 bó cải thảo ngâm muối nặng khoảng 200 tấn và 50 tấn gia vị được sử dụng để muối kim chi. Tại Hàn Quốc, muối kim chi với một số lượng lớn được gọi là “Kimjang”, đây là một nét đẹp văn hóa của người Hàn Quốc để chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá sắp tới. Và “Kimjang” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại chính thức vào tháng 12/2013.
Cảm ơn bạn đã cùng Đại Thuận Food du ngoạn một vòng về nền văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam - Thái Lan - Nhật Bản - Hàn Quốc. Trong tương lai, Đại Thuận Food sẽ còn chia sẻ rất nhiều những câu chuyện thú vị khác, hãy luôn theo dõi để cập nhật bài viết mới nhất của chúng tôi bạn nhé.